Năm 2015 là một năm hứa hẹn nhiều điều thú vị dành cho đám cưới bởi sự độc đáo, khác biệt, nhanh chóng trở thành tiêu chí hàng đầu đối với các cặp đôi cá tính và những vị khách yêu thích sự giản tiện, thân hữu. Những nghi lễ cưới hỏi đang ngày một “biến hóa” với nhiều hình thức khác nhau khiến khách mời khi tham dự luôn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
1. Nghi lễ trao cô dâu được “trao tay” sang người khác
Theo đúng nghi thức tổ chức đám cưới của phương Tây, cha cô dâu sẽ là người cầm tay đưa cô đi hết đoạn đường đến bục tuyên thệ và trao tay con gái mình cho chàng rể. Tuy nhiên, với một số cặp đôi đã sống chung như vợ chồng trước lễ cưới, cách thực hiện nghi thức này cũng trở nên thoáng hơn.
Sau đây là một vài phá cách sáng tạo đang được ưa chuộng trên thế giới:
- Một số cặp đã có con trước khi cưới sẽ để chính những đứa con đưa mẹ nó đến bục tuyên thệ.
- Những cô phụ dâu thường là những người thân thiết nhất với cô dâu, họ sẽ cùng khoác tay cô dâu đi đến chỗ chú rể đang đứng chờ.
Ở Việt Nam, thông thường các cặp đôi cô dâu chú rể sẽ cùng nhau sánh bước đến bục tuyên thệ nhưng cũng có vài cặp đôi đã làm khác đi như: Cô dâu thể hiện sự tự chủ và độc lập khi tự mình đi hết đoạn đường đến bục tuyên thệ.
2. Phù rể và phù dâu
Một số chú rể không muốn phải chọn ra một người duy nhất để làm phù rể, thay vào đó, anh lôi kéo toàn bộ những người anh em chí cốt vào đám cưới của mình để tạo thành “một đội phù rể”. Đây cũng là một cách hiệu quả để san sẻ công việc “hậu trường” tất bật. Sẽ có một phù rể chuyên đảm trách bài phát biểu của phù rể dành cho cặp đôi mới cưới, một anh phù rể khác sẽ bảo vệ chiếc nhẫn cưới quý giá, và một anh chàng khác sẽ bày trò chơi trong tiệc cưới… Các cô dâu cũng sẽ có suy nghĩ tương tự với những nàng phù dâu của mình. Ai cũng có phần và ai cũng vui vẻ!
3. Unplugged Wedding – đám cưới không có thiết bị điện tử di động
Thật ra xu hướng nay không hoàn toàn mới, nhưng trong năm 2015, có đến 40% cô dâu chú rể quyết định chọn cách này để tạo điểm nhấn cho đám cưới của mình. Cặp đôi sẽ yêu cầu các vị khách không sử dụng máy ảnh hoặc điện thoại di động/iPad trong lễ cưới, chỉ thưởng thức chứ không ghi hình dưới bất cứ hình thức nào.
Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên chụp cho đám cưới rất ủng hộ dạng đám cưới này vì họ có thể bắt được cảm xúc trong những khoảnh khắc đặc biệt như phản ứng của bố mẹ cô dâu chú rể khi con họ nói lời tuyên thệ bên nhau trọn đời mà không bị cái iPad nào ngăn cản tầm máy. Hơn nữa, thay vì cảnh toàn đám cưới bị lấp đầy bằng 50 chiếc điện thoại đang vẫy qua vẫy lại thì các nhiếp ảnh gia giờ đây đã có thể bắt lấy một toàn cảnh tuyệt đẹp xứng đáng với khoảnh khắc quan trọng của đời người.
4. Không sử dụng mạng xã hội
Tương tự như Unplugged Wedding, trước đám cưới, nhiều cặp đôi muốn lưu ý khách rằng họ không muốn có bất cứ tấm ảnh nào trong đám cưới bị tung lên mạng xã hội trước khi cô dâu chú rể cung cấp nhưng tấm ảnh được chụp bởi người chụp ảnh riêng của lễ cưới.
Để có một ngày trọn vẹn, từ khâu lên kế hoạch đến tổ chức thực hiện đều đòi hỏi cô dâu chú rể tốn rất nhiều tâm sức. Nên hiển nhiện là họ muốn mọi thứ được trọn vẹn đến phút chót, khi những tấm hình đầu tiên về đám cưới của họ được qua chọn lọc và thể hiện được vẻ đẹp cũng như sự đầu tư ý tưởng cho đám cưới.
5. Lời tuyên thệ từ trái tim
Khoảng 5 năm trước, có khoảng 70% cặp đôi chọn cách học thuộc lòng lời tuyên thệ để đọc khi làm lễ. Giờ đây chỉ còn 20% các cặp muốn dùng cách này. Cô dâu và chú rể tự soạn cho mình những tời tuyên thệ đơn giản nhưng súc tích và ý nghĩa nhất có thể. Họ quan niệm rằng ngoài những câu trích dẫn thật sự quan trọng với cuộc đời họ, việc đọc thuộc lòng là không cần thiết.
Ngoài ra, trong phần phát biểu của đại diện gia đình trước khi bắt đầu tiệc cưới, thay vì chỉ có những bậc cao niên đại diện gia đình nói lời cảm ơn, chú rể và cô dâu cũng sẽ có lời cảm ơn riêng dành cho cha mẹ và quan khách. Đặc biệt hơn là nói lên những lời hứa, lời yêu thương từ trái tim dành cho người bạn đời của mình trước mặt quan khách tham dự.
6. Thật nhiều niềm vui và hạnh phúc trong từng bức ảnh
Cô dâu chú rể ngày nay không muốn đám cưới của họ là những giây phút hồi hộp, căng thẳng trước đám đông. Họ muốn đám cưới đông vui, rộn ràng và thân tình hết mức có thể!
Vì vậy, càng ngày càng có nhiều cặp đôi muốn ảnh đám cưới của mình đậm chất báo chí hơn, chân thực và cảm xúc hơn là những bức ảnh tạo dáng theo khuôn mẫu. Những tấm ảnh bắt lại khoảnh khắc cô dâu âu yếm nhìn vào mắt chú rể khi nghe anh nói hôm nay cô thật đẹp. Đám cưới là sự kiện, không phải sàn diễn nên họ muốn từng tấm ảnh đều thật và lưu giữ được những hồi ức đầy ý nghĩa.
7. Thay đổi trình tự phần lễ trên sân khấu
Thông thường tại các nhà hàng tiệc cưới, trình tự làm lễ trên sâu khấu luôn là múa mở màn, cô dâu chú rể xuất hiện, gia đình hai bên xuất hiện, nâng ly cùng uống chúc mừng ngày vui. Sau đó cô dâu chú rể sẽ được hướng dẫn cắt bánh cưới và rót rượu.
Nếu muốn mới lạ hơn, các cặp đôi có thể thay đổi thứ tự của các phần trong nghi lễ sân khấu để tránh sự nhàm chán. Phần lễ đầu sẽ dành cho sự xuất hiện của hai nhân vật chính cùng gia đình nói lời cảm ơn quan khách và cùng nâng ly bắt đầu buổi tiệc.
Cô dâu sẽ đi thay trang phục nếu muốn và khi xuất hiện trở lại sẽ đánh dấu bằng một tiết mục đặc biệt gây sự chú ý như cùng nhảy với chú rể trong điệu nhạc du dương, cùng hát hoặc nhảy chung với các phù dâu phù rể. Sau đó sẽ tiến hành cắt bánh cưới và cùng đút cho nhau những miếng bánh ngọt ngào tượng trưng cho hạnh phúc.
8. Đồng phục
Trên thế giới, việc tham dự đám cưới và mặc đồng phục theo yêu cầu là chuyện không quá mới. Nhưng tại Việt Nam, chỉ có ở một vài đám cưới của các ngôi sao giải trí.
Gần đây, các cặp đôi hiện đại, trẻ trung đã dần tiếp cận xu hướng thế giới vì vậy những nét mới của đám cưới Việt Nam đang ngày càng hòa nhập xu hướng chung. Với mong muốn buổi tiệc cưới trở nên hoàn hảo, long trọng và đặc biệt, một số cặp đôi sẽ ghi chú phần trang phục yêu cầu cho phù hợp với chủ đề cưới mà họ đã chọn.
9. Không tung hoa cưới
Rất nhiều các cô gái khi tham dự đám cưới đều mong chờ tiết mục tung hoa cưới của cô dâu vì mong muốn mình sẽ là người kế tiếp được mặc váy cưới. Tuy nhiên có một số khác lại không thích điều này. Vì vậy, các cô dâu thay vì sẽ có tiết mục tung hoa vào cuối buổi tiệc và sẽ chẳng biết ai là người chụp được bó hoa và họ có cần điều đó hay không, cô dâu nên trực tiếp lên sân khấu và nêu tên người mình muốn tặng lại bó hoa cưới. Chắc chắn cô gái nhận được bó hoa sẽ vô cùng ngạc nhiên và trân trọng món quà.
Một cách khác là cô dâu cũng có thể tháo rời bó hoa cưới của mình và chia đều cho tất cả các cô gái chưa có gia đình trong buổi tiệc như gửi lời cảm ơn và cầu chúc cho họ cũng gặp được hạnh phúc.
All comments [ 0 ]
Your comments